Chân Đèn: Khi bước vào nơi thánh, ta thấy chân đèn bằng vàng ròng được đặt ở bên trái.
Vàng nói về thần tánh. Chân đèn có bảy ngọn đèn, tượng trưng cho bảy thần của Đức Giê-hô-va được liệt kê trong Ê-sai 11:2.
Ê-sai 11:2 chép rằng: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên ta [chỉ về Đấng Christ].”
Ngọn đèn chính giữa tượng trưng cho thần của Đức Giê-hô-va. Bên dưới là sáu nhánh, mỗi bên thân ba nhánh.
Theo Ê-sai 61:1 Thần của Đức Giê-hô-va là sự xức dầu để rao giảng. Tiếp tới ở phía bên hữu là thần khôn ngoan và bên tả là thần thông sáng. Các thần này được nối tiếp bởi thần mưu toan và thần mạnh sức. Cuối cùng là thần hiểu biết và thần kính sợ Đức Giê-hô-va. Bảy vị thần này tương ứng với bảy màu của cầu vòng mà Ê-xê-chia và sứ đồ Giăng đã thấy bao quanh ngai (Êx 1:28; Khải 4:3-5).
Chân đèn tượng trưng cho bảy sự xức dầu khác nhau có thể đến trên chúng ta. Khi chúng ta được kêu gọi để rao giảng, chúng ta cần được xức dầu bởi thần của Đức Giê-hô-va. Tùy theo mức độ kinh nghiệm, chúng ta có thể cảm biết sự xức dầu của Đức Thánh Linh bao phủ chúng ta và cảm thúc chúng ta khi chúng ta rao giảng. Nếu có thể được, lúc nào cũng nên có tài liệu giảng dạy, dầu vậy, thần của Đức Giê-hô-va là tác nhân cần thiết soi dẫn chúng ta khi chúng ta ban phát sứ điệp của Chúa.
Thần khôn ngoan là một thần nữa trong bảy thần của Đức Chúa Trời, được sứ đồ Phao-lô nhắc đến trong Ê-phê-sô 1:17. Hội thánh Ê-phê-sô là hội thánh ân tứ, hay Ngũ Tuần. Họ đã nhận được phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, trong Ê-phê-sô 1:17, Phao-lô cầu nguyện để những tín hữu này nhận được thần của sự khôn ngoan và sự mặc khải để đến chỗ nhận biết Đấng Christ cách thật gần gũi. Bảy thần này là những sự che phủ mà đến trên chúng ta. Còn phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh thì ở trong chúng ta.
Đức Chúa Trời sẽ ban cho ai sự khôn ngoan này? Đa-ni-ên 2:21 cho biết Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan. Trong Mác 4:25, chúng ta thấy Đức Chúa Jêsus Christ đã nói rõ cùng nguyên tắc này. “Vì sẽ ban thêm cho kẻ nào có”. Có một câu cách ngôn xưa nói rằng: “Kẻ có được chính là kẻ tìm kiếm.. Điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta về mặt thuộc linh? Nghĩa là khi chúng ta rắp lòng tìm kiếm Chúa để tìm sự khôn ngoan, thường xuyên suy gẫm Lời Ngài, và kêu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan, như Đa-vít đã truyền dạy Sa-lô-môn, Chúa sẽ bắt đầu vững lập chúng ta trong đường khôn ngoan (Châm 2:1-7; 4:3-9). Ngài sẽ khiến chúng ta có những sự lựa chọn đúng trong mỗi một tình huống.
Chúa không chỉ ban cho chúng ta “sự khôn ngoan nơi bề trong” như Đa-vít mô tả trong Thi-thiên 51:6, mà Ngài còn xức dầu cho chúng ta bằng thần của sự khôn ngoan hầu cho khi những người có các nan đề đến với chúng ta, Chúa sẽ ban cho chúng ta những giải pháp thiên thượng bởi thần của sự khôn ngoan.
Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho sự thông sáng. Khi chúng ta tìm kiếm Chúa để có một tấm lòng thông sáng, Ngài bắt đầu vây phủ chúng ta với thần thông sáng. Sự thông sáng thì khác với tri thức và sự khôn ngoan. Tri thức là sự tích lũy thông tin và các dữ kiện. Sự khôn ngoan là khả năng để áp dụng đúng sự hiểu biết một cách chính xác, và nó cũng khiến người ta đưa ra những quyết định đúng đắn. Còn sự thông sáng là sự biện biệt để biết được vì sao người ta đưa ra một quyết định và lý do người ta làm một điều nào đó. Sự thông sáng cũng giúp chúng ta biết được các đường lối của Chúa.
Thần mưu toan (thần mưu luận/thần cố vấn) là sự xức dầu được ban cho những người có chức vụ cố vấn. Chính mình Đức Chúa Jêsus Christ cũng được gọi là Đấng Mưu Luận trong Ê-sai 9:6. Ngày nay có các chức vụ cố vấn trong thân thể Đấng Christ. Nếu Đức Chúa Trời đặt chúng ta vào trong vị trí người cố vấn, chúng ta phải kêu xin Ngài để có thần mưu toan hầu bày tỏ cho người khác điều họ phải làm trong tình huống đặc biệt của họ. Mỗi tình huống đều riêng biệt; vì vậy, chúng ta không thể dựa trên những kinh nghiệm quá khứ, hoặc chỉ khuyên bảo con người theo các nguyên tắc mà thôi. Việc cố vấn cũng phải ở trong các biên giới của Lời Đức Chúa Trời.
Đức Thánh Linh và Lời Chúa luôn hoàn toàn hòa hợp với nhau. Chúng ta đừng bao giờ đưa ra lời khuyên trái với Lời thành văn của Đức Chúa Trời. Điều này áp dụng cho mọi lãnh vực cố vấn, kể cả hôn nhân. Chúng ta không thể cố vấn cho người đã ly dị, có người bạn đời hiện vẫn còn sống, kết hôn với một người khác. Điều đó đi ngược lại với những sự dạy dỗ của giao ước mới. Khi Chúa ban cho chúng ta chức vụ của người cố vấn, chúng ta phải kêu xin Ngài để có thần mưu toan. Sự xức dầu đó sẽ giúp chúng ta nói cho họ điều Chúa muốn phán với họ vào bất cứ thời điểm nào. Mưu luận Chúa ban đôi khi đi ngược lại những cảm nhận tự nhiên của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải dẹp bỏ những cảm xúc của riêng mình và để Chúa phán qua chúng ta điều Ngài biết là tốt nhất.
Thần mạnh sức là một trong bảy thần của Đức Chúa Trời. Mạnh sức là sức mạnh phi thường! Chúng ta cần phải sống nhờ sức mạnh của Đức Chúa Trời. Thần mạnh sức được biểu lộ qua những cách phi thường - như trong trường hợp cuộc đời Sam-sôn. Sam-sôn đã vác các cổng thành và chạy hai mươi dặm (32 km) lên đồi Hếp-rôn. Thần mạnh sức được biểu lộ trong Ê-li khi ông chạy trước xe ngựa của A-háp. Đức Chúa Jêsus Christ đã lật đổ hết các bàn của những kẻ đổi bạc và đuổi họ ra khỏi đền thờ khi thần mạnh sức đến trên Ngài. Để tách những người Do Thái khỏi tiền bạc của họ, cần có thần sức mạnh phi thường.
Thần hiểu biết có thể được minh họa qua điều Chúa Jêsus đã phán cùng Na-tha-na-ên: “Này, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối trá chi hết. Na-tha-na-ên thưa rằng: Bởi đâu Thầy biết tôi? Đức Chúa Jêsus Christ đáp rằng: Trước khi Phi-líp gọi ngươi, ta đã thấy ngươi ở dưới cây vả”. (xem Giăng 1:47-50). Đức Chúa Jêsus có thể nhìn thấy Na-tha-na-ên và biết mọi sự về ông. Đây là biểu hiện tuyệt vời của thần hiểu biết. Thần hiểu biết có thể ban cho chúng ta khả năng để biết quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Thần của sự kính sợ Đức Giê-hô-va là sự xức dầu dẫn đến sự cáo trách và phục hưng. Trong sách Công Vụ, đã có một sự cáo trách lớn, bởi vì thần của sự kính sợ Đức Giê-hô-va đã đến trên dân sự. Tất nhiên, thần của sự kính sợ Đức Giê-hô-va cũng còn được bày tỏ ở nhiều nơi khác nhau trong Kinh Thánh. Chúng ta cần có được sự xức dầu đó, bởi vì nó sinh ra sự thánh khiết, và giữ chúng ta không sai lệch khỏi đường lối Đức Chúa Trời. Không những chúng ta có thể cảm biết sự xức dầu khi Chúa muốn bày tỏ chính mình Ngài, mà chúng ta còn có chân đèn ở trong lòng chúng ta như nó đã có trước đây. Chúng ta phải nhận thức được sự hiện diện của chân đèn trong chính mình.
Tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng ở đây. Một người có thể được Đức Chúa Trời xức dầu, song vẫn sống rất không công bình và không thánh khiết.
Chúng ta phải biết rằng Đức Chúa Trời có thể xức dầu cho bất cứ ai. Có nhiều người hầu việc Chúa đã được xức dầu, nhưng không thể được gọi là thánh khiết hay thậm chí là công bình. Sam-sôn chắc chắn rơi vào trường hợp này. Sam-sôn không sống một cuộc đời đạo đức công bình, tuy nhiên Đức Chúa Trời đã xức dầu cho ông. Bao lâu mà ông được biệt riêng cho Chúa bởi lời thề của người Na-xi-rê, Đức Chúa Trời giữ sự xức dầu trên ông. Đức Chúa Trời tôn trọng nghi lễ của người Na-xi-rê. Theo lời thề này, Sam-sôn không cắt tóc. Tuy nhiên, ngay khi biểu tượng biệt riêng theo nghi lễ bị cất bỏ, ông đánh mất sức lực và sự xức dầu của mình. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện không những để được Chúa sử dụng, mà còn được Ngài chuẩn thuận, và giữ được ơn thương xót của Ngài.
Sách: Phía Trong Bức Màn - Mục sư Brian J. Bailey